Với cư dân bộ tộc Ainu, gấu được coi là hiện thân của những vị thần tối cao...
Gấu là một loài động vật to lớn, được coi là đại diện cho sức mạnh và lòng quả cảm. Chính vì thế mà hình tượng loài gấu xuất hiện trong nhiều nền văn minh như một biểu tượng vô cùng có ý nghĩa, thậm chí có bộ tộc còn có những tục lệ tôn thờ loài gấu.
Hình ảnh nhóm người bộ tộc Ainu năm 1902.
Những người Ainu là một bộ tộc bản địa Nhật Bản. Phần lớn cư dân bộ tộc Ainu là những thợ săn, hay ngư dân từng sinh sống tại khu vực Hokkaido, quần đảo Kuril và phần lớn Sakhalin. Cho đến nay, chỉ còn lại một bộ phận ít cư dân Ainu còn sống tại Hokkaido mặc dù văn hóa của bộ tộc gần như đã bị xóa sạch, trong đó có tục lệ thờ cúng loài gấu.
Nguồn gốc của người Ainu vẫn luôn là một câu hỏi lớn với các nhà nhân chủng học. Đó là vì người Ainu chỉ mới được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu phương Tây từ cuối thế kỷ XIX.
Họ được xác nhận không phải là người Nhật hay người Đại chủng Á. Tuy vậy họ lại có những đặc điểm ngoại hình khá giống người châu Á như tóc xoăn, cơ thể nhiều lông, mắt nhỏ và cằm phát triển.
Điều thu hút những nhà nhân chủng học và nhà khoa học phương Tây ở bộ tộc này chính là tục lệ thờ cúng loài gấu. Các chuyên gia đã quan sát hoạt động cúng tế gấu tại bộ lạc này lần đầu tiên vào thập niên 1920. Hoạt động này lập tức gợi cho những nhà khoa học phương Tây nhớ đến hoạt động sùng bái loài gấu thời kì đồ đá khi mà gấu được coi là “nữ thần vĩ đại” hay “gấu mẹ”.
Và thật ngạc nhiên khi Ainu là bộ tộc duy nhất trong thế kỷ XX còn thực hành một cách đầy đủ tục lệ thờ gấu.
Ainu là bộ tộc duy nhất trong thế kỷ XX còn thực hành một cách đầy đủ tục lệ thờ gấu.
Theo nhiều tài liệu ghi lại cho thấy, gấu được sử dụng trong nghi lễ của bộ tộc Ainu bắt buộc là gấu đực, không giống như biểu tượng “nữ thần vĩ đại” trong tục lệ thời kì đồ đá.
Điều này được giải thích là việc hiến tế “gấu mẹ”- biểu tượng của Nữ thần sự sống là hoàn toàn bất kính và sai trái. Người Ainu còn quan niệm rằng, vị Thần núi Chira-Mante-Kamui đã mượn thân xác chú gấu để "đến thăm" mặt đất và con người.
Các vị thần của bộ tộc Ainu xem con người bình đẳng với mình và luôn muốn gần gũi với con người. Chính bởi vậy, các vị thần đã tặng lại xác thịt, vỏ da của mình - những tấm da gấu, thịt gấu như một phần thưởng cho con người. Hành động "sát hại" gấu được cho là để giải phóng vị thần thoát khỏi xác thịt trần thế và siêu thoát, sớm trở về với thế giới của họ.
Khi một chú gấu bị bắt trên núi, gấu sẽ được mang về làng và được nuôi dưỡng trong một chiếc lồng lớn bằng gỗ. Chú gấu này sẽ được chăm sóc cẩn thận và được ăn thức ăn của người.
Những chú gấu sẽ được nuôi dưỡng trong một cái lồng bằng gỗ...
Thậm chí nếu chú gấu còn quá bé và chưa có răng, gấu sẽ được bú sữa của người. Người Ainu sẽ nuôi cho tới khi gấu được 2-3 tuổi. Sau đó, một lễ hội với tên gọi "Gấu" hay Iomante hoặc Kumamatsuri sẽ được tổ chức. Lễ hội này thường xảy ra vào giữa mùa đông khi lớp lông của gấu dày nhất và thịt béo nhất.
... và được ăn thức ăn giống của con người.
Nghi lễ sẽ bắt đầu khi chú gấu được mang ra và đặt giữa bàn thờ với “cửa thần”. Người Ainu sẽ giết chú gấu này bằng mũi tên cứng hay một khúc gỗ và đặt nó trước bàn thờ. Sau đó, cư dân bộ tộc Ainu sẽ nhảy múa xung quanh.
Lễ hội này kéo dài suốt 3 ngày đêm. Đêm đầu tiên là quan trọng nhất và được gọi là Keo-mante, có nghĩa là gửi xác đi. Não, lưỡi và mắt của chú gấu được loại bỏ và thay vào đó là hoa. Nghi lễ này được làm vào đúng nửa đêm nhằm giúp linh hồn của vị thần dễ dàng trở về với thiên đường. Phụ nữ bị cấm hoàn toàn trong nghi lễ.
Nghi lễ này là một bằng chứng của tín ngưỡng tôn thờ loài gấu của bộ tộc Ainu khi mà họ tin rằng, gấu chính là hiện thân của các vị thần. Mặc dù tục lệ hiến tế gấu đã không còn do sự thay đổi về môi trường sống cũng như thay đổi trong chính cộng đồng Ainu. Tuy nhiên vẫn có nguồn tin cho rằng, nghi lễ thờ cúng này vẫn được thực hiện tại một số vùng nhất định ở Nhật Bản.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét